Chờ mua xe mới bất thành, nhiều khách hàng đã quay sang tìm xe lướt khiến thị trường ô tô đã qua sử dụng trở nên sôi động, giá xe cũ tăng cao. Nhiều mẫu SUV hàng lướt có giá cao hơn cả xe mới.
Bước vào năm 2022, hoạt động xã hội trở lại bình thường sau thời gian dài ảnh hưởng vì dịch bệnh COVID-19, nhu cầu di chuyển của người dân tăng mạnh kéo theo việc mua sắm xe để kinh doanh tăng cao.
Thị trường ô tô Việt Nam đã trải qua nửa đầu 2022 với những tín hiệu tích cực.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nửa đầu năm 2022, thị trường ô tô tăng trưởng khoảng 34% so với cùng kỳ.
Thị trường ô tô quý 2 năm 2022 ghi nhận sự trở mình mạnh mẽ với tỉ lệ gia tăng hơn 22% số lượng tin đăng bán xe, cùng 9% lượng khách hàng liên hệ mua xe so với quý 1 năm 2022, trong đó Mitsubishi Xpander, VinFast Fadil và Hyundai Accent là 3 trong 10 mẫu xe được quan tâm nhiều nhất.
Bên cạnh nhu cầu di chuyển của người dân tăng sau dịch thì chính sách giảm 50% thuế trước bạ được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 1/12/2021 để kích cầu tiêu dùng cũng là nguyên nhân then chốt dẫn đến sự tăng trưởng mạnh của thị trường ô tô thời gian vừa qua.
Nhu cầu di chuyển của người dân tăng sau dịch cùng chính sách giảm 50% thuế trước bạ được Chính phủ ban hành đã giúp thị trường ô tô nửa đầu năm 2022 tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, do chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa thông suốt hoàn toàn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng tình trạng thiếu hụt linh kiện, chất bán dẫn dùng cho sản xuất các thiết bị điện tử, công nghệ trên ô tô, hàng loạt hãng sản xuất xe trên thế giới đã lên kế hoạch cắt giảm sản lượng.
Điều này đã khiến thị trường ô tô Việt Nam rơi vào cảnh “cung không đủ cầu”.
Tình trạng khan hàng diễn ra trên diện rộng, nhiều mẫu xe phổ thông, cao cấp, lắp ráp hoặc nhập khẩu xảy ra tình trạng ký chờ nhiều tháng do nguồn cung từ nhà máy trong và ngoài nước gặp khó.
Có thời điểm, khách mua các mẫu xe hot của Toyota, Hyundai, Kia… phải chờ 2-3 tháng mới nhận được xe. Với phân khúc xe sang, chủ yếu là các sản phẩm nhập khẩu, thời gian chờ đợi còn lớn hơn, 3-6 tháng như trường hợp của Mercedes, BMW, Porsche, Land Rover…
Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy và tình trạng thiếu hụt linh kiện, chất bán dẫn đã gây nên tình trạng cung không đủ cầu, nhiều khách hàng mua các mẫu xe hot phải đợi từ 2 – 3 tháng mới được nhận xe.
Sự thiếu hụt trên kéo theo chiêu bài “bia kèm lạc” của nhiều hãng đối với một số mẫu xe hot, buộc khách hàng dù đã đặt cọc trước vẫn phải mua thêm các gói phụ kiện lên đến hàng trăm triệu đồng để được nhận xe sớm.
Các yếu tố ảnh hưởng trên sẽ khiến thị trường kinh doanh nửa sau năm 2022 trở nên khó khăn, đặc biệt đối với các dòng xe mới.
Mỏi mắt chờ mua xe mới bất thành, nhiều khách hàng đã quay sang tìm “xe lướt” khiến thị trường ô tô đã qua sử dụng đột nhiên sôi động.
Chưa kể những người muốn bán xe để lên đời xe mới trong lúc chính sách giảm 50% phí trước bạ còn hiệu lực dẫn đến nguồn xe cũ giai đoạn này càng thêm dồi dào.
“Chưa bao giờ nhu cầu mua ô tô đã qua sử dụng lại nhộn nhịp và có điểm “nghịch lý” như trong giai đoạn này”, một số chủ đại lý xe cũ nhận định.
Trong quý 2 năm 2022, chuyên trang Chợ Tốt Xe ghi nhận giá bán các dòng xe đã qua sử dụng đã tăng từ 1-22%, và rất có thể sẽ tiếp tục tăng giai đoạn quý 3 khi tình trạng xe mới lẫn cũ đang dần trở nên khan hiếm.
Các dòng xe được săn tìm nhiều nhất là trong tầm tiền từ 300 – 600 triệu đồng, nổi bật nhất là 2 mẫu xe “quốc dân” Innova và Vios. Mức giá này phù hợp với các gia đình trẻ, những người mua xe lần đầu, đồng thời tầm giá này có rất nhiều thương hiệu để lựa chọn.
Trong top 10 mẫu xe được quan tâm nhất, VinFast Fadil có mức tăng trung bình cao nhất là 78 triệu đồng, điều này được lý giải khi có thông tin VinFast sẽ dừng kinh doanh xe xăng sau ngày 31/8/2022 khiến mẫu best seller trong phân khúc A trở nên “hút hàng”.
Các dòng xe được săn tìm nhiều nhất là trong tầm tiền từ 300 – 600 triệu đồng, nổi bật nhất là 2 mẫu xe “quốc dân” Innova và Vios.
Hai mẫu xe khác thuộc phân khúc này là Kia Morning và Hyundai Grand i10 cũng ghi nhận mức tăng giá trung bình khá cao từ 6-9%.
Có một điểm “nghịch lý” là giá bán một số mẫu xe SUV đã có qua sử dụng lại có giá cao hơn cả xe mới. Điều này đang xảy ra với các mẫu xe hot như Hyundai Santa Fe, Hyundai Tucson, Kia Seltos, Toyota Raize, Toyota Fortuner, Ford Everest…
Đơn cử như Hyundai SantaFe Premium 2.2L HTRAC đời 2021 đã đi 15.000 km đang được rao bán với giá 1,489 tỉ đồng, lăn bánh 6.000 km được rao bán với giá 1,535 tỉ đồng. Trong khi đó, giá niêm yết xe mới của hãng đề xuất chỉ là 1,34 tỉ đồng chưa bao gồm thuế phí.
Hyundai Tucson 2.0 AT CRDi bản Đặc biệt đời 2021 đã đi 20.000 km đang được rao bán với giá 989 triệu đồng, cao hơn giá đề xuất xe mới 49 triệu đồng.
Tương tự, các mẫu SUV 7 chỗ quốc dân Toyota Fortuner, phiên bản 2.8V 4×4 AT đời 2018 đã đi 50.000 km được rao bán giá quanh mức 1,14 tỉ đồng, trong khi giá xe mới hãng đề xuất là 1,423 tỉ đồng chưa bao gồm thuế, phí.