Ngoài loại nhiên liệu sử dụng, ô tô điện và xe dùng xăng, dầu còn khác nhau về thiết kế, hệ truyền động, trải nghiệm vận hành…
Ô tô thuần điện đang dần phổ biến hơn tại Việt Nam, khi người dùng có thêm một số lựa chọn cùng tầm giá và thương hiệu. Dù kiểu dáng tổng thể giống nhau, xe điện và xe dùng xăng, dầu lại có những khác biệt lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm cũng như thói quen sử dụng.
Hyundai Ioniq 5 là một trong những mẫu xe điện ra mắt Việt Nam năm 2022
Cấu tạo đơn giản
Điểm khác nhau rõ rệt nhất giữa hai loại xe này là nhiên liệu, từ đó dẫn đến sự khác biệt lớn về động cơ và hệ truyền động.
Động cơ điện có cấu tạo đơn giản hơn nhiều so với động cơ đốt trong – vốn cần hàng loạt bộ phận như piston, xi-lanh, trục khuỷu…
Ngoài ra, nhờ có dải vòng tua lớn gấp nhiều lần động cơ xăng, dầu, động cơ điện về cơ bản chỉ cần một cấp số, thay vì hộp số phức tạp với nhiều cấp và tỉ số truyền như ô tô truyền thống.
VinFast VF e34 có kích cỡ ngang Kia Seltos, Hyundai Creta nhưng nội thất rộng hơn
Nội thất rộng rãi hơn
Nhờ cấu tạo động cơ và hệ truyền động đều đơn giản, ít thành phần, nội thất xe điện rộng rãi hơn xe xăng, dầu cùng kích thước bên ngoài. Các nhà sản xuất do đó cũng có thể trang bị nhiều tính năng, tiện nghi hơn.
Đơn cử, VinFast VF e34 có chiều dài, rộng, cao và chiều dài cơ sở tương đương các mẫu crossover hạng B, tuy nhiên trên thực tế, không gian nội thất của mẫu ô tô điện này rộng rãi tương đương xe hạng C.
Hyundai Ioniq5 có nội thất linh hoạt nhờ không gian rộng
Trong khi đó, Hyundai Ioniq5 tận dụng ưu thế về không gian để mang đến cho người dùng hai hàng ghế rộng, thoáng, biên độ ngả lưng và trượt tiến/lùi lớn. Ngoài ra, người ngồi bên lái và phụ có thể đổi chỗ mà không cần ra khỏi xe.
Xe điện không cần ống xả
Với việc động cơ không phát thải và đòi hỏi khả năng tản nhiệt thấp hơn, xe điện không cần ống xả, lưới tản nhiệt cỡ lớn. Đây cũng là các chi tiết thiết kế bên ngoài có thể dùng để phân biệt xe điện và xe xăng, dầu.
Hyundai Ioniq 5 có lưới tản nhiệt “giả” và cốp đựng đồ dưới nắp capo
Cũng từ sự khác biệt về động cơ và hệ truyền động, ô tô điện mang lại trải nghiệm vận hành với nhiều điểm không giống xe xăng, dầu, dù cả hai có cách thức điều khiển tương tự.
Bên cạnh việc không phát thải, động cơ điện không phát ra tiếng ồn. Âm thanh lọt vào khoang cabin chỉ đến từ gầm, lốp hoặc môi trường xung quanh.
Tăng tốc nhanh và không có độ trễ
Mặt khác, với khả năng đạt lực kéo tối đa tức thì, xe điện tăng tốc nhanh và hầu như không có độ trễ. Nhờ vậy mang lại trải nghiệm vận hành thanh thoát, dễ chịu cho người lái và hành khách.
Trên một số mẫu ô tô điện như Hyundai Ioniq5, người dùng còn có thể chỉnh mức độ tự hãm phanh sau khi nhả bàn đạp ga – tính năng phục vụ cơ chế phanh tái tạo năng lượng để sạc cho pin – qua đó điều khiển xe di chuyển hoặc dừng mà chỉ cần dùng chân ga.
Ô tô điện không phát thải và tiếng ồn động cơ khi di chuyển
Bảo dưỡng rẻ hơn
Nhờ cấu tạo đơn giản, việc bảo dưỡng động cơ điện cũng đơn giản, ít chi phí hơn động cơ xăng, dầu. Tuy nhiên tại Việt Nam – nơi xe điện còn là loại phương tiện mới – các hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa chỉ nên thực hiện ở gara chính hãng.
Trong khi đó, người dùng ô tô động cơ xăng, dầu hiện có nhiều lựa chọn hơn về nguồn phụ tùng thay thế, nơi sửa chữa và bảo dưỡng, cả chính hãng và xưởng ngoài.
Nạp năng lượng lâu hơn xe xăng
Ngoài thời gian nạp nhiên liệu nhanh hơn nhiều lần, ô tô truyền thống đổ đầy bình xăng, dầu cũng đi được quãng đường xa hơn xe điện sạc đầy pin. Mặt khác, xét về số lượng và độ phủ tại Việt Nam, trạm sạc điện hiện cũng hạn chế hơn cây xăng.
Đây là những điểm cần người dùng điều chỉnh về thói quen sử dụng, cũng như lên kế hoạch di chuyển cụ thể hơn khi đi đường dài. Đổi lại, nguồn sạc cho xe điện có thể đến từ nhiều địa điểm như tại nhà, hầm chung cư, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe…
Cảm biến chân ga Topspeed – giải pháp tốc độ cho mọi dòng xe được phân phối bởi công ty Total.
Tứ Đức